Chuyên mục
Tin tổng hợp

[Cảnh báo]những chiêu trò lừa đảo qua điện thoại mới nhất hiện nay

Dưới đây là tất cả những chiêu lừa đảo qua điện thoại mới nhất được bocphot.club cập nhật liên tục. Các bạn nên đọc để tránh bị lừa đảo như nhiều trường hợp khác.

Chiêu lừa đảo qua điện thoại mới nhất hiện nay – biết để còn tránh

Hiện nay, khi điện thoại di động trở thành vật dụng thiết yếu và phổ biến của mọi người dân, các đối tượng lừa đảo đã nắm bắt điều này để thực hiện hành vi lừa đảo qua điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản với nhiều chiêu trò, thủ đoạn khác nhau.

Qua phản ánh của người dân trên các diễn đàn, hội nhóm và thực tế phản ánh từ các thành viên trong group Hội Bóc Phốt Lừa Đảo, Bom Hàng – Bocphot.club, có thể điểm mặt một số chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay để người dân chủ động phòng tránh:

Giả mạo công an lừa đảo qua điện thoại gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang

Kịch bản được các đối tượng sử dụng nhiều lần hiện nay là giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ nghiêm trọng như buôn ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, lừa đảo xuyên quốc gia…Khi nạn nhân nói rằng mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến, các đối tượng lừa đảo sẽ khai thác thông tin cá nhân hoặc nói rằng có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ điều tra.

“Người dân cần lưu ý rằng các lực lượng chức năng nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng”, chuyên gia NCSC cảnh báo tới người dân.

Xem thêm>>>7 cách kiểm tra số điện thoại lừa đảo giúp bạn tránh bị “tiền mất tật mang”

Lừa vi phạm luật giao thông, bị phạt nguội

Bên cạnh đó, nhiều người dân còn nhận được cuộc gọi từ số lạ, tự xưng là công an đang điều tra về một vụ án liên quan đến người nhận cuộc gọi và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cho người xưng là công an để xác minh vụ việc.

Ngoài ra, kẻ xấu còn giả danh cán bộ của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) gọi điện thoại thông báo cho người đã bị “phạt nguội”, yêu cầu bị hại cung cấp thông tin cá nhân và làm theo các bước hướng dẫn để đóng phạt…

Cục Cảnh sát Giao thông khuyến cáo, theo các quy định liên quan của pháp luật trong lĩnh vực giao thông, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đều được lực lượng Cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện, hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý. Do đó, người dân tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email… cho bất kỳ ai, với bất kỳ hình thức nào. Khi nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, đề nghị người dân phản ánh ngay tới cơ quan công an để được trợ giúp.

lừa đảo qua điện thoại
Tin nhắn lừa đảo qua điện thoại

Lừa đảo qua điện thoại nhận bưu phẩm

Một kịch bản khác khá phổ biến là gọi điện thoại giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước; nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước, dọa cắt điện…Khi nhận được các cuộc gọi giả mạo này, các chuyên gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Lừa đảo qua số điện thoại nước ngoài

Tự giới thiệu là người nước ngoài , liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân, sau đó đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, bị hại/người bị lừa đảo phải nộp các khoản tiền như: Thuế, phí, cước vận chuyển… vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận quà.

Giả danh cả điện lực để lừa

Một số khách hàng sử dụng điện ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên còn bị các cuộc gọi từ số di động lạ đòi nộp tiền điện với số tiền lớn cùng lời hù dọa cắt điện. Thậm chí các đối tượng lừa đảo còn lập 4 đầu số giả tổng đài ngành điện miền Trung để lấy cước phí của khách hàng với giá đến 8.000 đồng/phút.

Tổng công ty Điện lực miền Trung đã yêu cầu các công ty điện lực thành viên thông báo rộng rãi để khách hàng cảnh giác.

Khuyến cáo khách hàng tiếp nhận thông tin từ các kênh chính thống của điện lực như SMS, email, website, tổng đài 19001909 và không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc chuyển tiền vào tài khoản khi chưa xác minh thông tin.

Giả làm nhân viên của các sàn thương mại, trung tâm mua sắm,… thông báo trúng thưởng

Phổ biến gần đây là kịch bản đối tượng xấu giả mạo nhân viên của sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số… gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó, thúc giục nạn nhân nếu không thực hiện ngay những yêu câu đưa ra thì sẽ không có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị nữa.

Từ đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP gửi về điện thoại hay đưa ra bất kỳ lý do nào khác để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm trộm tiền trong tài khoản.

Giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo qua điện thoại

Đây là một chiêu lừa đảo mới nhất hiện nay, và đã có rất nhiều người đã bị lừa rồi. Nên hôm nay mình sẽ trích nguyên nội dung của bài viết: Hà Nội cảnh báo đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo qua điện thoại trên báo Quân Đội Nhân Dân để các bạn đọc, nắm được thông tin chính thống và tránh những chiêu trò lừa đảo hiện nay nhé!

Chiều 19-3, Công an thành phố Hà Nội phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện trong thời gian gần đây.

Công an TP Hà Nội sẽ phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo trên để người dân biết và nêu cao tinh thần cảnh giác, không để đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Công an thành phố Hà Nội, các đối tượng sẽ giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết sự cố. Đối tượng thường yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp chúng đưa ra, thực chất đây là thao tác chuyển hướng cuộc gọi để chúng tìm cách chiếm quyền kiểm soát sim điện thoại của khách hàng rồi chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví của chủ thuê bao.

lừa đảo qua điện thoại
Hà Nội phát cảnh báo về hoạt động lừa đảo mới qua điện thoại để người dân cẩn trọng và đề phòng kẻ gian. Ảnh minh họa / Vietnam+.

Chúng thường yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp *21#. Tuy nhiên, đây thực chất là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi (Call Forward) – dịch vụ của các nhà mạng như Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng. Sau đó, các đối tượng sẽ thao tác đăng nhập ứng dụng ví Momo của nạn nhân từ xa. Tổng đài Momo sẽ gọi để cung cấp mã OTP, tuy nhiên, cuộc gọi này chuyển hướng đến số điện thoại của đối tượng. Từ đó, kẻ xấu chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví.

Đối tượng lừa đảo cũng có thể yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp DS gửi 901. Đây là cú pháp đổi sim điện thoại qua phôi sim trắng theo phương thức nhắn tin (SMS). Sau đó, kẻ xấu sẽ nhắn tin lừa đảo giúp người dùng nâng cấp sim điện thoại thành SIM 4G, 5G. Các đối tượng này yêu cầu người dùng nhắn tin theo cú pháp trên.

Khi thao tác thành công, người dùng sẽ mất quyền kiểm soát sim vì sim của đối tượng lừa đảo trở thành sim “chính chủ” và truy cập vào ứng dụng ví điện tử, ứng dụng thanh toán online để chiếm đoạt tiền.

Mặt khác, đối tượng cũng có thể yêu cầu các nạn nhân nhắn tin theo cú pháp mà đối tượng đưa ra. Tuy nhiên, thực chất đây là cú pháp để người dùng dịch vụ cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại bất kỳ.

Sau khi bị hại gửi thành công tin nhắn đã soạn theo cú pháp trên sẽ mất quyền kiểm soát sim điện thoại. Mọi cuộc gọi đến thuê bao của người dùng lập tức được chuyển tiếp tới số điện thoại của đối tượng lừa đảo để dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử… của nạn nhân bằng cách đăng nhập và chọn tính năng “Quên mật khẩu”. Nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi mã xác thực (OTP) đến sim điện thoại đối tượng vừa chiếm đoạt.

Đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt được tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân. Cuối cùng, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền của nạn nhân trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc sử dụng thông tin của bị hại để vay tiền thông qua các ứng dụng cho vay trên mạng, dẫn đến bị hại bị nợ khoản tiền lớn.

NGỌC HUY

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/lua-dao-qua-dien-thoai-chieu-cu-van-nhieu-nguoi-sap-bay.html

Bảo vệ mình trước những chiêu thức lừa đảo tinh vi

Với các trường hợp nghi lừa đảo, người dùng cần nâng cao cảnh giác và chủ động bảo vệ tài khoản của mình với các nguyên tắc sau:

  • KHÔNG cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ví điện tử cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên với bất kỳ hình thức nào.
  • KHÔNG đăng nhập vào bất kỳ đường link nào do người lạ gửi.
  • KHÔNG quét các QR code không rõ nguồn gốc hoặc khi chưa nắm rõ thông tin.
  • KHÔNG cho mượn/cho phép người khác sử dụng tài khoản ví điện tử, tài khoản ngân hàng điện tử…
  • KHÔNG để lại số điện thoại, CMND, hình ảnh/thông tin tài khoản Ngân hàng/ví điện tử trên mạng xã hội.

Làm gì khi bị lừa đảo qua điện thoại

Ngay sau khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo và không thể liên lạc lại được với đối tượng lừa đảo, bị hại/người bị lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi mình cư trú (Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an…) để được giải quyết kịp thời.

Người tố giác tội phạm cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau đây khi làm đơn tố giác gửi đến cơ quan Công an:

  • Đơn trình báo Công an (trình bày cụ thể sự việc lừa đảo, các yêu cầu cần giải quyết);
  • Bản sao công chứng Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;
  • Chứng cứ kèm theo: Bản ghi âm, biên lai chuyển tiền, ảnh chụp tin nhắn… trong đó có chứa thông tin về hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó, người bị lừa đảo cũng có thể tố giác tội phạm thông qua đường dây nóng của Bộ Công an, Công an địa phương:

  • Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại TP Hà Nội: 069.2342431.
  • Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại TP. HCM: 069.3336310.
  • Công an TP. Hà Nội: 024.3942.2532.
  • Công an TP. HCM: 0283.8413744 hoặc 0693187680.

Sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm, cơ quan Công an sẽ tiến hành điều tra dựa vào các thông tin mà người tố giác cung cấp. Trong quá trình giải quyết, người tố giác cần phối hợp với cơ quan Công an để cung cấp thêm thông tin phục vụ điều tra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *